Nhờ sự cố gắng nỗ lực không ngừng mà từ một người đàn ông xuất thân từ vùng quê nghèo khó, đến nay ông Trần Đình Long – Chủ tịch của tập đoàn Hòa Phát, đã gây dựng nên cơ ngơi hùng mạnh về mảng thép, được xem là “vua thép” tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, là một trong các tỷ phú rất nổi tiếng nhờ biệt tài kinh doanh của mình. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về tiểu sử của ông vua thép Việt, về quá trình đi đến thành công cũng như giá trị tài sản ròng của tỷ phú Trần Đình Long nhé.
Phân tích giá tài sản trị ròng của tỷ phú Trần Đình Long
Không ai ngoài chính vị tỷ phú Trần Đình Long (và có lẽ là kế toán viên của ông) biết con số chính xác thực sự giá trị tài sản ròng của ông là bao nhiêu. Tuy nhiên, chúng tôi có thể tìm thấy đủ thông tin để đưa ra ước tính khá chắc chắn về giá trị tài sản ròng của ông. Biến động tài sản và giá trị tài sản ròng của tỷ phú Trần Đình Long chủ yếu gắn liền với giá trị cổ phiếu HPG trên thị trường chứng khoán.
Tài sản | Đóng góp vào giá trị ròng |
Cổ phiếu | Hơn 1,5 tỷ cổ phiếu HPG (Khoảng 26% vốn Hòa Phát) |
Các tài sản khác (Địa ốc, máy bay, biệt thự…) | Chưa công bố công khai |
Tổng giá trị ròng | 1,9 tỷ USD (Theo dữ liệu từ Forbes) |
Theo thống kê của tạp chí Forbes, tính đến ngày 01/11/2024 (theo giờ Việt Nam), giá trị tài sản ròng của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long là 1,9 tỷ USD, xếp thứ 1.497 thế giới và nằm trong top 6 tỷ phú USD Việt Nam.
Biến động giá trị tài sản ròng của tỷ phú Trần Đình Long qua các năm – Nguồn ảnh: Forbes.
Giá trị tài sản của tỷ phú Trần Đình Long tăng mạnh chủ yếu do cổ phiếu Hòa Phát liên tục thiết lập mức giá kỷ lục sau hơn chục năm được niêm yết trên sàn chứng khoán. Người được mệnh danh là “vua ngành thép” Việt Nam hiện đang đảm nhận ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG).
Tiểu sử của ông Trần Đình Long
Trần Đình Long sinh ngày 22 tháng 2 năm 1961 tại Hải Dương, là một tỷ phú Việt Nam đã vượt qua những khó khăn và nghèo khó từ tuổi thơ. Với sự thông minh và khát khao làm giàu, ông đã đi công tác và kinh doanh trong và ngoài nước. Hiện nay, ông đã định cư tại Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, Thủ đô Hà Nội.
Tỷ phú Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát
Người mẹ sinh ra ông Trần Đình Long là bà Đỗ Thị Giới, ông Long có em gái là Trần Ánh Tuyết. Và 2 anh trai là Trần Đình Thăng và Trần Đình Tân. Sau ông lấy vợ là bà Vũ Thị Hiền, Ông bà có hai người con, lần lượt tên là Trần Huyền Linh và Trần Vũ Minh.
Xuất thân nghèo khó cùng bản tính “nói ít làm nhiều”, Trần Đình Long tỏ ra là một người rắn rỏi với bản lĩnh “cứng” và khá kín tiếng trên thương trường. Người ta thường chỉ được gặp ông mỗi năm một lần vào mỗi dịp Đại hội cổ đông của tập đoàn Hòa Phát.
Họ tên khai sinh | Trần Đình Long |
Ngày sinh | 22/02/1961 |
Quê quán | Thanh Miện, Hải Dương |
Cư trú | 119 Bùi Thị Xuân, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội |
Gia đình | Mẹ: Đỗ Thị Giới.
Vợ: Vũ Thị Hiền. |
Trình độ học vấn | Cử nhân Kinh tế Đại học Kinh tế Quốc dân (1986) |
Chức vụ | Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát |
Giá trị tài sản ròng của Trần Đình Long: Làm thế nào ông trở thành ông vua ngành thép và tỷ phú hàng đầu Việt Nam
Chủ tịch Hòa Phát dẫn dắt công ty theo triết lý kinh doanh đi đường thẳng, đi giữa đường, tiến lên chậm và đi một cách chắc chắn để cán đích. Ông Long lần đầu đứng trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2018 và chỉ một lần ra khỏi danh sách vào năm 2019. Ông tốt nghiệp cử nhân kinh tế đại học Kinh tế Quốc dân năm 1986. Năm 1992, cùng với nhóm bạn học ông lập ra Hòa Phát, từ ngành nghề chính phân phối thiết bị xây dựng, công ty đã từng bước mở rộng sản xuất sang các lĩnh vực mới gồm bàn ghế nội thất, thép, bất động sản và nông nghiệp.
Khởi đầu sự nghiệp đầy khó khăn – Vạn sự khởi đầu nan
Sự nghiệp của Trần Đình Long gắn liền với Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát mà tiền thân là công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Thiết bị Phụ Tùng. Trước khi có được thành công, ông Long và những người anh em ở Hòa Phát cũng từng có những giai đoạn đầy khó khăn, vất vả.
Vào năm 1992, ông quyết tâm thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng. Nhưng quá trình thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng không hề dễ dàng. Thời điểm đó Luật doanh nghiệp Việt Nam mới ra đời, vẫn còn nhiều nội dung chưa phù hợp, nhiều quy định, thủ tục phức tạp. Để hoàn thành thủ tục phải qua phòng Thương mại và Công nghiệp quận Hoàn Kiếm làm hồ sơ, chứng minh tài sản, mượn tiền, góp vài chục triệu vào ngân hàng để phong tỏa tài khoản rồi xin giấy phép xác định nhận thân từng người. Công ty phải mượn nhà ông Long làm địa điểm, vì doanh nghiệp thành lập phải có địa chỉ đăng ký, vốn pháp định, phải chứng minh vốn bằng cách đóng tiền vào ngân hàng, thậm chí đi mượn tiền người khác để đóng vào làm vốn pháp định.
Vào năm 1993, ông Long cùng các cộng sự lần đầu tiên có chuyến xuất ngoại để tìm hiểu thị trường và nhập hàng. Thời kỳ đó công ty tư nhân không được phép xuất nhập khẩu với nước ngoài, thế nên phải đi bằng hộ chiếu đường biên giới.
Tỷ phú Trần Đình Long (ngoài cùng bên phải) và các cộng sự trong chuyến xuất ngoại năm 1993
Đây được đánh giá là chuyến đi quan trọng đối với công ty và là lần đầu tiên công ty nhập hàng một cách tương đối bài bản. Ông Trần Tuấn Dương – cộng sự của ông Trần Đình Long nhớ lại: “Đến đoạn lên núi, hôm đó trời mưa phùn nên phải bò qua bằng cả hai tay hai chân tay nếu không trơn ngã. Người lấm bê bết bùn đất, bò qua biên giới mấy cây số. Mà không riêng gì mình, những người đi buôn tiểu ngạch thời đó đều đi như thế cả.”
Giai đoạn từ năm 1994 – 2006: Tiên phong trong công cuộc đổi mới
Thời điểm năm 1994, khi tìm mua bàn ghế cho văn phòng nằm trên đường Giải Phóng, ông Long và các cộng sự nhận ra rằng, lúc bấy giờ, các doanh nghiệp đều đang nhập khẩu bàn ghế gỗ từ Đài Loan về. Vì vậy, ông Long đã quyết định gia nhập thị trường khi thành lập công ty cổ phần nội thất năm 1995, tìm hiểu các nhà cung cấp từ Đài Loan cho đến Malaysia, Singapore… để phát triển công ty. Công ty nội thất này ban đầu tên Công ty TNHH Thương mại Sơn Thủy sau thời gian hiện đổi tên là Công ty cổ phần Nội Thất Hòa Phát.
Giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2005, ông Trần Đình Long giữ chức Chủ tịch HĐQT các công ty thuộc nhóm Hòa Phát bấy giờ. Khoảng năm 1996, Công ty Thiết bị Phụ tùng thường phải mua ống thép về làm giàn giáo. Tuy nhiên, việc mua ống thép hết sức khó khăn, do phải xin phê duyệt rồi phải có “tiền lót tay” mới mua được 5-10 tấn. Thấy rằng việc làm ống thép không khó, ông Long đã quyết định thành lập công ty mới tên Ống thép Hòa Phát, sử dụng công nghệ Đài Loan. Mấy năm sau thì công ty thép, điện lạnh, công ty xây dựng và phát triển đô thị Hòa Phát được ra đời.
Kể từ năm 1992, sau tám năm bán đủ thứ từ máy móc, nội thất tới ống thép, thì phải đến năm 2000, “thép xây dựng” mới có mặt trong danh mục sản phẩm của Công ty Thiết Bị và Phụ Tùng Hòa Phát.
Cột mốc lịch sử vào năm 2027 – Tập đoàn Hòa Phát chính thức ra đời
Năm 2007 Ông Long và ban lãnh đạo trong công ty quyết định tái cấu trúc theo mô hình Tập đoàn. Với công ty mẹ là Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát và các Công ty thành viên. Ban Lãnh Đạo công ty Hòa Phát đã chia sẻ: “Lúc đó và kể cả bây giờ, Thép Việt Mỹ, Việt Hàn, Việt Nhật, Việt Pháp, Việt Đức … rất nhiều. Một số công ty, máy móc chẳng có gì liên quan đến các nước Mỹ, Hàn, Nhật, Pháp… nhưng lại sính ngoại lấy tên như thế. Mình thì mua máy móc mới tinh của nước ngoài nên lúc đầu cũng định lấy tên ghép như vậy nhưng sau nhận thấy hàng Việt Nam cũng rất đáng để tự hào, thế là chọn “Hòa Phát” (với nghĩa Hòa hợp & Phát triển – PV) để đổi tên cho các công ty, thống nhất một thương hiệu và đến năm 2007 thì Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát ra đời. Đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn”.
Cũng trong năm 2007, Khu liên hợp Gang thép tại Hải Dương của Hòa Phát được xây dựng, mục tiêu trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam của Hòa Phát tiếp tục có những định hình rõ nét đến tận bây giờ. Giúp cho sự nghiệp của ông Trần Đình Long phát triển rực rỡ đến ngày nay, ông được đặt biệt danh là “ Vua thép”. Tháng 02 năm 2017 Ông Long và ban lãnh đạo Thành lập Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. Đánh dấu sự phát triển mới cho ông nói riêng và Tập đoàn Hòa Phát nói chung.
Giai đoạn từ năm 2007 đến nay: Đi đến đỉnh cao vinh quang
Giai đoạn từ sau năm 2007, Tập đoàn Hòa Phát ngày càng ăn nên làm ra. Kết thúc Quý 2 2016: Hoà Phát tăng trưởng 2 con số, với doanh thu đạt 15.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.050 tỷ, tăng 60% so với cùng kỳ và gần hoàn thành kế hoạch cả năm về lợi nhuận. Lý giải về mức lợi nhuận đột biến trong quý 2 năm 2016, ông Long cho biết do sản lượng bán hàng tăng, việc cơ quan quản lý áp thuế tự vệ thương mại tạm thời nên giá lên, chính sách nhập nguyên liệu theo năm cũng góp phần giúp Hòa Phát hưởng lợi về giá vốn…
Cũng trong năm 2016, ông Long lần đầu bước lên vị thế là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam, sau Phạm Nhật Vượng và Trịnh Văn Quyết.
Năm 2017, Việt Nam bước lên ngôi vị số một về tiêu thụ thép tại khu vực Đông Nam Á, vượt qua cả Indonesia – quốc gia có dân số gấp 2 lần Việt Nam. Tính riêng quý 2 năm 2017, doanh thu toàn Tập đoàn Hòa Phát đạt 10.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 1.530 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2017, giá cổ phiếu Hòa Phát tăng vọt đã nâng tài sản của tỷ phú Trần Đình Long trên thị trường chứng khoán lên trên 1 tỷ đô la Mỹ, là căn cứ Forbes đưa tên ông vào danh sách tỷ phú đô la thế giới Khẳng định vị thế doanh nghiệp thép số một trên thị trường Việt Nam.
Cuối năm 2019, như nhiều doanh nghiệp khác, sau khi xây dựng vị trí vững chắc với sản phẩm thép, Tập đoàn Hòa Phát bắt đầu mở rộng kinh doanh ra nhiều ngành nghề như nội thất, điện lạnh, nông nghiệp, tôn mạ và vừa tiếp nhận siêu dự án thép trị giá 3 tỷ USD ở Dung Quất (Quảng Ngãi).
Quý 3 năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu 28.766 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.000 tỷ đồng, tăng 212% so với cùng kỳ 2022 và 38% so với quý trước. Lũy kế 9 tháng 2024, Hòa Phát đạt 85.430 tỷ đồng doanh thu, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 3.830 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 48% kế hoạch năm.
Kết quả kinh doanh Quý 3 năm 2024 của Tập đoàn Hòa Phát – Nguồn ảnh: Trang chủ Hòa Phát.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 2.000 tỷ đồng, tăng 3.786 tỷ đồng so với Quý 3 năm 2022 và tăng 553 tỷ đồng tương ứng tăng 40% so với Quý 2 năm 2024. Nhóm Thép chiếm tỷ trọng lớn nhất với đóng góp lần lượt 95% và 90% cho doanh thu lợi nhuận sau thuế hợp nhất Tập đoàn.
So sánh doanh thu lợi nhuận Hòa Phát 2022 – Quý 3 năm 2024, Nguồn: Trang chủ Hòa Phát.
9 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát đã nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 6.300 tỷ đồng. Trong đó, các công ty thành viên có đóng góp ngân sách nhiều nhất là Thép Hòa Phát Dung Quất, Thép Hòa Phát Hải Dương, Ống thép Hòa Phát, Điện máy gia dụng. Tổng số nộp thuế, phí các loại của Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất bao gồm thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế xuất nhập khẩu, thuế nội địa… đạt trên 3.600 tỷ đồng và là công ty đóng góp nhiều nhất trong số các thành viên của Tập đoàn.
Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu trong thị trường thép Việt Nam.
Với những đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước, Tập đoàn Hòa Phát và nhiều Công ty thành viên đã được Tổng Cục Thuế, Cục Thuế các địa phương tuyên dương và trao Bằng khen, Giấy khen.
Công ty TNHH Thép cán nguội Hòa Phát được tuyên dương người nộp thuế tiêu biểu tại Hưng Yên
Ngày 28 tháng 10 năm 2024, Cục Thuế tỉnh Hưng Yên tổ chức hội nghị tuyên dương người nộp thuế tiêu biểu năm 2022. Hòa Phát có nhiều Công ty được vinh danh là Công ty TNHH Thép cán nguội Hòa Phát, Công ty TNHH Thức ăn Chăn nuôi Hòa Phát Hưng Yên và Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Phát. Tập đoàn của Tỷ phú Trần Đình Long đang hoạt động và đóng góp ngân sách nhà nước tại 29 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hòa Phát còn tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tập trung vào bốn nhóm chính: Y tế – Giáo dục – Giao thông và Cộng đồng thông qua các hoạt động tài trợ phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo, Xuân yêu thương… Trong năm 2024, Tập đoàn tiếp tục thực hiện chương trình “Chặng đường nối yêu thương” do Hòa Phát trực tiếp triển khai, nhằm hỗ trợ chi phí chăm sóc trẻ em và người già có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.
Tỷ phú Trần Đình Long để tiền của mình vào đâu?
Do tập đoàn Hòa Phát ngày càng phát triển nên đi cùng với đó số tài sản ông Trần Đình hiện có là con số cực kỳ khủng. Ngoài việc đầu tư để tiếp tục sinh lời, có hơi nơi rất đáng chú ý mà tỷ phú Trần Đình Long đang để tiền của mình vào, đó là máy bay và cổ phiếu.
Đại gia sở hữu nhiều máy bay khủng
Trần Đình Long được biết đến là một trong 2 đại gia tại Việt Nam chơi “vượt tầm” khi vung hàng trăm tỷ đồng sắm máy bay riêng sắm máy bay riêng (cùng với ông Đoàn Nguyên Đức hay Bầu Đức – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai).
Năm 2010, ông mua một chiếc trực thăng EC 135P2i 6 chỗ ngồi với giá gần 5 triệu USD (tương đương gần 96 tỉ đồng).
Năm 2011, tỷ phú Trần Đình Long mua một chiếc trực thăng 12 chỗ ngồi mang mã VN-D668. Chiếc trực thăng này có thể bay chặng dài từ Hà Nội đến Đà Nẵng mà không cần phải tiếp thêm nhiên liệu. Chiếc trực thăng này thuộc sở hữu của riêng ông Long, và hiện nay đang cho Tập đoàn Hòa Phát thuê. Ngoài ra thì ông Long cũng sở hữu rất nhiều tài sản có giá trị khác như địa ốc, nhưng không công khai rộng rãi.
Cổ phiếu
Tính đến hiện tại, ông Trần Đình Long có hơn 1,5 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương 26% vốn điều lệ Hoà Phát. Bên cạnh đó, vợ và con trai của tỷ phú này còn nắm giữ hơn 243 triệu cổ phiếu Hòa Phát. Tính cả cổ phần của một số thành viên khác, gia đình ông Trần Đình Long sở hữu tổng cộng gần tỷ cổ phiếu HPG. Dù có sự chuyền tay, nhưng tổng quát thì gia đình ông Long vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu trên 35%.
Giá cổ phiếu HPG – Nguồn ảnh: Investing.
Có thể hiểu, nếu đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Hòa Phát muốn thông qua các vấn đề như thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty, dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản công ty… đều phải có sự nhất trí của ông Trần Đình Long và người nhà.
Chúng ta có thể học được gì từ thành công của tỷ phú Trần Đình Long?
Trong suốt 18 năm góp mặt trong ngành thép, Hòa Phát rất xứng đáng đứng số một về ngành sản xuất thép Việt và ống thép xây dựng tại Việt Nam. Để có được những thành tích ấy, không thể thiếu “bóng dáng” nhà lãnh đạo tài ba Trần Đình Long. Với tài lãnh đạo xuất sắc, sự kiên định, dứt khoát trong chiến lược kinh doanh đã giúp ông đưa tập đoàn Hòa Phát lớn mạnh như ngày hôm nay.
Ông Trần Đình Long là người ít nói và ít xuất hiện trước truyền thông. Nhưng mỗi khi ông nói câu nào là tất cả mọi người đều tâm đắc và đi vào lòng người. Trong một cuộc họp cổ đông thường niên “vua” thép nước Việt đã từng lên tiếng rằng: “Chúng tôi luôn thận trọng trên cơ sở tính toán kỹ càng. Không nói thì thôi, nói ra rồi thì phải đạt được”. Đây được đánh giá là phát ngôn thể hiện tính trách nhiệm rất cao đối với công việc, cũng như sự tự tin về những chiến lược kinh doanh mà ông mà các cộng sự đang thực hiện. Sự tự tin ấy được thể hiện qua câu nói rất nổi tiếng của vị doanh nhân này: “Nếu thị trường có sập, Hòa Phát sẽ là người chết cuối cùng”.
Nhờ những triết lý sống tuyệt vời mà dù trải qua những giai đoạn khó khăn nhất, ông Long vẫn lèo lái tập đoàn Hòa Phát vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và đạt mức lợi nhuận khủng. Ông Trần Đình Long xứng đáng là doanh nhân thành đạt mà thế hệ trẻ nên học tập và noi theo.
Trên đây là những thông tin chi tiết về tiểu sử, quá trình lập nghiệp cũng như giá trị tài sản ròng của tỷ phú Trần Đình Long. Dù xuất thân từ một vùng quê nghèo và xây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng là một thành tựu đáng nể của ông. Qua quá trình thành công xây dựng sự nghiệp, ông có thể truyền cảm hứng và khẳng định rằng sự kiên trì, chăm chỉ và tầm nhìn sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn và đạt được thành công. Những giá trị này không chỉ đáng nể phục mà còn có thể truyền cảm hứng cho tất cả mọi người trong việc theo đuổi mục tiêu và khám phá tiềm năng bản thân. Chúc các bạn có thể học được nhiều điều bổ ích từ vị tỷ phú Trần Đình Long, và vững bước thành công trên con đường sự nghiệp của bản thân.