Chắc hẳn bạn ít nhiều đã từng nghe đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch tập đoàn Vingroup. Theo thống kê của Forbes, giá trị tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên tới hơn 4,4 tỷ USD, liên tục nắm giữ ngôi vị là người giàu nhất Việt Nam trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, ông Vượng cũng là một người rất tâm huyết với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, có nhiều đóng góp thiết thực cho nền kinh tế, xã hội nước nhà. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về một trong những doanh nhân tuyệt vời nhất Việt Nam thế kỷ này nhé.

Phân tích giá tài sản trị ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Tài sản của Chủ tịch Vingroup, tỷ phú Phạm Nhật Vượng tuy có nhiều biến động trong thời gian qua nhưng vẫn ông vẫn vừng vàng với ngôi vị là người giàu nhất trong top 10 tỷ phú Việt Nam.

Theo thống kê mới nhất của Forbes vào đầu tháng 11 năm 2024, giá trị tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là 4,4 tỷ USD (tăng 73 triệu USD – tương đương với 1,70% so với cùng thời điểm năm trước), đứng thứ 619 trên thế giới.

Phân tích giá tài sản trị ròng

Forbes tổng hợp tài sản của ông Phạm Nhật Vượng (Nguồn: Forbes)

Ông Phạm Nhật Vượng là Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Vingroup – một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất của Việt Nam. Ông cũng là người giàu nhất Việt Nam và vị tỷ phú đô la Mỹ đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tập đoàn Vingroup có khoảng 91 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, du lịch, giáo dục, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thương mại điện tử, sản xuất ô tô và xe máy điện. Một số công ty con nổi bật của Vingroup phải kể đến là VinFast, VinTech, VinHomes, VinPearl, VinMec, VinSchool, VinID, VinCommerce.

pham nhat vuong forbes

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng giữ chức Chủ tịch Tập đoàn VinGroup.nguồn

Sự kiện đáng chú ý nhất đối với tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong năm 2024 chính là cổ phiếu VFS của Vinfast chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ – Nasdaq (một trong những sàn chứng khoán lớn nhất thế giới) vào ngày 15/8/2023. VinFast đã rung chuông ra mắt trên Nasdaq Global Select Market, chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu. Công ty có giá trị vốn hoá hơn 23 tỷ USD, hoạt động dưới pháp nhân VinFast Auto Ltd. với mã giao dịch VFS.

Ngay sau khi được niêm yết chính thức, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/8 trên sàn Nasdaq của Mỹ, cổ phiếu VinFast vọt lên ngưỡng 37 USD. Với hơn 2,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa của VinFast đạt 85 tỷ USD. Như vậy, vốn hóa VinFast đã vượt qua Ford, General Motors và nhiều hãng xe danh tiếng. Đây cũng là doanh nghiệp Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất tính đến hiện tại.

Tài sản Đóng góp vào giá trị ròng
Cổ phiếu
Các tài sản khác (Biệt thự, đất đai, siêu xe…) Chưa có số liệu công khai cụ thể
Tổng giá trị ròng 4,4 tỷ USD (Theo dữ liệu từ Forbes tính đến 11/2023)

Phạm Nhật Vượng là ai? Tiểu sử Phạm Nhật Vượng – Từ hai bàn tay trắng đến đế chế tỷ đô

Ông Phạm Nhật Vượng sinh ngày 05/08/1968 là con cả trong gia đình có ba anh chị em gồm bà Phạm Thị Lan Anh (1970), ông Phạm Nhật Vũ (1972). Tuy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng quê gốc của ông ở Lộc Hà, Hà Tĩnh. Cha ông là Phạm Nhật Quang – một quân nhân, phục vụ trong lực lượng Không quân và mẹ làm nghề bán nước chè dạo.

Nhờ thành tích học tập xuất sắc, sau khi thi tốt nghiệp phổ thông ông đã thi đỗ chương trình du học ở Moskva (Nga) tại Đại học Thăm dò Địa chất Liên bang Nga (Russian State Geological Prospecting University, MGRI-RSGPU) và tiếp tục theo ngành Kinh tế Địa chất. Sau khi tốt nghiệp, ông kết hôn với người bạn học cùng đại học là bà Phạm Thu Hương và rẽ hướng sang kinh doanh, công ty Technocom chính là bước đệm cho sự phát triển kinh doanh của Phạm Nhật Vượng.

Gia đình ông Vượng có 3 người con, 2 trai 1 gái. Bà Phạm Thu Hương, vợ Phạm Nhật Vượng hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup. Người con cả Phạm Nhật Quân Anh khá kín tiếng, gần như chưa xuất hiện trước truyền thông bao giờ. Người con trai thứ 2 là Phạm Nhật Minh Hoàng, sinh năm 1987, tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại đại học Aston (Anh). Cô con gái út là Phạm Nhật Minh Anh. Cũng giống như hai người anh của mình, cô cũng có đời tư khá kín tiếng.

Họ tên khai sinh Phạm Nhật Vượng
Ngày sinh 05 tháng 8 năm 1968
Nơi sinh Hà Nội
Quê gốc Hà Tĩnh
Giá trị tài sản ròng 4,4 tỷ USD (Theo dữ liệu từ Forbes tính đến 11/2023)
Con Phạm Nhật Quân Anh, Phạm Nhật Minh Anh, Phạm Nhật Minh Hoàng
Vợ Phạm Thu Hương
Học vấn Russian State Geological Prospecting University (1992), Trường Đại học Mỏ – Địa chất
Nghề nghiệp Doanh Nhân, Chủ tịch Tập Đoàn VinGroup

Giá trị tài sản ròng của Phạm Nhật Vượng: Hành trình khởi nghiệp trở thành người giàu nhất Việt Nam

Không có thành công nào tự đến mà không phải đánh đổi bằng những cố gắng, kiên định, thậm chí mất mát, thất bại. Và tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng không ngoại lệ, như ông từng nói “Mình nhạy hơn với thị trường. Mình “ăn đòn” nhiều nên khôn hơn”. Hãy cùng điểm lại hành trình khởi nghiệp đi đến đỉnh cao vinh quang như hôm nay của người giàu nhất Việt Nam này nhé.

Khởi nghiệp nơi đất khách

Những năm 1980, thông qua mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với các nước Đông u – đặc biệt là Liên Xô (cũ), Việt Nam đã gửi rất nhiều học sinh đạt thành tích học tập xuất sắc nhất sang học tập, về kinh tế – tài chính đến khoa học – kỹ thuật. Thời kỳ đó, du học Liên Xô là niềm mơ ước thoát nghèo của nhiều thanh niên Việt Nam.

pham nhat vuong công việc

Khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn ở Ukraine

Xuất thân từ miền quê nghèo nhưng giàu truyền thống hiếu học, chàng thanh niên trẻ Phạm Nhật Vượng đã nuôi dưỡng ước mơ thoát nghèo. Năm 1987, sau khi thi đỗ vào trường Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội với thành tích Toán học vượt trội, chàng thanh niên tròn 18 tuổi đã được Chính phủ cử sang nước Nga để tiếp tục nghiên cứu về ngành Địa chất học tại Học viện địa chất Moscow. Đây thực sự là cơ hội, là bước ngoặt lớn giúp ông Vượng định hình cho sự thành công trên cương vị Chủ tịch Tập đoàn Vingroup sau này.

Ông vua mì gói Ukraine

Năm 1993, sau khi tốt nghiệp và kết hôn với người bạn gái đại học, ông cùng vợ chuyển tới thành phố Kharkov, mở một cửa hàng ăn lấy tên Việt Nam Thăng Long. Cửa hàng ăn của ông Vượng đặt tại nhà số 5, cao tốc Aminevskoe, nơi có nhiều người Việt sinh sống vào những năm 1990.

Giai đoạn những năm 1990, do khủng hoảng kinh tế tài chính, những kệ hàng trong siêu thị Kharkov trống không và người dân buộc phải mua nhiều loại sản phẩm bằng tem phiếu. Tận dụng cơ hội, ông Vượng về Việt Nam mua một dây chuyền mì ăn liền hai vắt thô sơ, quay tay đưa sang Ukraine và bắt đầu sản xuất mì ăn liền hiệu Mivina, bán cho dân bản địa. Sản phẩm của Technocom hoàn toàn xa lạ với Ukraine nhưng lại nhanh chóng được đón nhận. Technocom ra đời ngày 8/8/1993, ngày 8/8 sau này cũng được chọn là ngày thành lập tập đoàn Vingroup.

Ông vua mì gói Ukraine

Những sản phẩm mang thương hiệu Mivina tại Ukraine gắn liền với tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Để có vốn kinh doanh mì ăn liền, ông Vượng chấp nhận mạo hiểm đi vay 10.000 USD từ bạn bè với lãi suất 8%/tháng. Sau đó ông còn tiếp tục vay Ngân hàng châu u với lãi suất 12% để mở rộng sản xuất sang các sản phẩm khác như rau thơm khô đóng gói, bột khoai tây, soup…

Sự xuất hiện của mì “Mivina” vào năm 1995 rất đúng thời điểm nên nhanh chóng trở nên phổ biến ở đất nước Ukraine. Chỉ trong vòng một năm, doanh số cán mốc 1 triệu gói mì. Đến năm 2004, mức tiêu thụ mì Mivina ở Ukraine đạt mức cao kỷ lục, 97% người tiêu dùng sử dụng loại sản phẩm này.

Từ cơ sở ban đầu chỉ 30 nhân công, loại mỳ này nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên thị trường thực phẩm Kharkov, rồi phổ biến toàn Ukraine. Thương hiệu Mivina sau đó trở thành tên gọi chung cho tất cả đồ ăn nhanh ở Ukraine.

Từ thành công tại Ukraine, ông Vượng mở rộng nhà máy, tiếp đó đưa thương hiệu Mivina tới hơn 30 quốc gia khác trên toàn thế giới như Estonia, Litva, Latvia, Moldova, Ba Lan, Đức, Israel… Ngoài sản phẩm đầu tiên là mì ăn liền, ông còn sản xuất khoai tây nghiền, thành lập nhà máy chuyên sản xuất gia vị, nhà máy chuyên đóng gói, là các công ty con của Tập đoàn Technocom, tiền thân của Vingroup hiện nay.

Về nước lập nghiệp

Từ năm 2000, song song với việc điều hành công việc kinh doanh ở Ukraine, ông Vượng bắt đầu đầu tư về nước với việc mở 2 công ty bất động sản ở Việt Nam là Vinpearl năm 2000 và Vingroup năm 2002. Nhiều giai thoại kể lại, trước khi xây dựng Vinpearl Land và Vincom, ông Phạm Nhật Vượng đã đích thân sang Phuket Thái Lan để học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, và sang Singapore để tìm hiểu về trung tâm thương mại.

Đảo Hòn Tre ở Nha Trang là địa điểm được lựa chọn xây dựng Vinpearl Land đầu tiên với tham vọng biến nơi này thành khu nghỉ dưỡng cao cấp. Ý tưởng này vào thời điểm đó bị nghi ngờ là “ném tiền xuống biển”. Năm 2006, Vinpearl Land Nha Trang (lúc đó có tên gọi Hòn Ngọc Việt) ra đời với 225 phòng khách sạn và tổ hợp vui chơi đa chức năng nhanh chóng trở thành địa điểm thu hút du khách nhất nhì Việt Nam, và là kiểu mẫu để sau này Vinpearl nhân rộng mô hình khắp cả nước.

Vinpearl Resort Nha Trang

nguồn

Một năm sau, ông Vượng tiếp tục khai trương Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu – tổ hợp thương mại lớn đầu tiên ở Hà Nội. Ba năm sau, tuyến cáp treo vượt biển nổi tiếng nối đất liền Vinpearl Land Nha Trang được đưa vào vận hành và là một trong những tuyến cáp treo vượt biển dài nhất thế giới (cho đến năm 2018).

Thời điểm này ông Vượng vẫn bay qua bay lại giữa Việt Nam và Ukraine để lo cho việc kinh doanh ở cả 2 quốc gia. Đã nhiều năm, Nestle ngỏ ý muốn mua lại Technocom ở Ukraine nhưng ông Vượng luôn từ chối. Bất ngờ đến năm 2009, ông quyết định bán công ty để tập trung toàn lực về trong nước.

Năm 2010, ông Vượng bán Technocom cho tập đoàn Nestle của Thụy Sỹ với mức giá không được tiết lộ. Thời điểm ông rời đi, Technocom vẫn là một tên tuổi lớn trên thị trường hàng tiêu dùng nhanh của Ukraine, có hai nhà máy ở Kharkov với doanh thu lên tới 100 triệu USD/năm. Technocom có 1.900 nhân viên, sản phẩm của công ty này được xuất sang 20 quốc gia, trong đó có Nga, các nước Baltic, Đức, Hungary, Israel, Ba Lan và Romania.

Năm 2011, hai công ty cổ phần Vinpearl và công ty cổ phần Vincom được sáp nhập lại bằng cách hoán đổi cổ phần. Đến giữa tháng 02 năm 2012, cổ phiếu Vingroup (mã: VIC) phát hành thêm cho mục đích sáp nhập được chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ hai dự án đầu tiên mang tính biểu tượng là Vinpearl Nha Trang và Vincom Bà Triệu, Vingroup đã lớn mạnh với tốc độ cực kỳ nhanh chóng trong suốt 2 thập niên đầu thế kỷ 21. Trong lĩnh vực bất động sản, hàng loạt các dự án nhà ở, khu đô thị, nghỉ dưỡng của tập đoàn này đã ra đời và thay đổi hoàn toàn bộ mặt đô thị cũng như khu du lịch tại Việt Nam. Sự thành công nhanh chóng của lĩnh vực bất động sản của Vingroup tạo đà giúp doanh nghiệp này mở rộng ra hàng loạt lĩnh vực khác trong hệ sinh thái khép kín mang họ “Vin” gồm: Trung tâm thương mại Vincom, Bệnh viện VinMec, trường học VinSchool-VinUni, siêu thị Vinmart (hiện đã bán cho Masan), xe điện VinFast…

Năm 2013, Phạm Nhật Vượng trở thành người Việt Nam đầu tiên được tạp chí Forbes vinh danh trong bảng xếp hạng tỷ phú USD của thế giới, ở vị trí 974 với tổng tài sản 1,5 tỷ USD. Thứ hạng của ông tăng đều theo các năm và tới thời điểm cập nhật của bài viết này (11/2024) tỷ phú Phạm Nhật Vượng đứng ở vị trí 619 top những người giàu nhất hành tinh, với tổng tài sản trị giá 4,4 tỷ USD.

hệ sinh thái vingroup

Tập đoàn VinGroup là tập đoàn đa ngành lớn nhất nước ta.

Trong khuôn khổ bài viết này, khó có thể kể hết các dự án mới ra đời liên tục của Vingroup trong những năm qua. Nhưng tựu trung lại có thể hình dung định hướng của Vingroup là trở thành Tập đoàn Công nghệ – Công nghiệp – Thương mại Dịch vụ đẳng cấp quốc tế.

Triết lý đầu tư, kinh doanh, quản lý của tỷ phú Phạm Nhật Vượng?

Ông Vượng chia sẻ, trước đây, khi nhà máy mì bắt đầu có lợi nhuận vào năm 1997-1998, lúc đó ông từng nghĩ khi nào mình có 2 triệu USD thì nghỉ làm, đi chơi.

Tuy nhiên, vị tỷ phú này đã không dừng lại ở 2 triệu USD, và cũng không nghỉ làm việc để đi chơi. Công việc cuốn ông đi và ngày hôm nay, Vingroup là một tập đoàn giá trị khoảng 3 tỷ USD, tuyển dụng hàng ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp. Dưới đây là những triết lý trong đầu tư, kinh doanh, quản lý mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã ứng dụng trong suốt bao năm “chinh chiến” đã qua trên thương trường:

Luôn luôn hướng đến tầm nhìn và sứ mệnh doanh nghiệp

Ông trùm Phạm Nhật Vượng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy, phát triển giá trị, nội lực quốc gia thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận. Điều này thể hiện sự cam kết của ông đối với việc đóng góp cho cộng đồng và đưa tên Việt Nam lên tầm thế giới.

Trong một lần chia sẻ với truyền thông, ông Vượng cho biết: “Tôi đã sống và làm ăn ở nước ngoài hơn 20 năm, dù có rất thành công và được coi trọng ở đó, nhưng vẫn thấy rất rõ là người Việt mình chưa được thế giới coi trọng… Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức mình để “lá cờ” này ngày càng cao, xa hơn. Đơn giản là chúng tôi muốn để lại gì đó cho đời!”. Đây chính là một lời nhắc nhở rằng, bất kể chúng ta làm gì cũng nên xem xét “tại sao” đằng sau hành động đó và liệu chúng có góp phần vào mục tiêu lớn hơn hay không.

Quản lý rủi ro và sẵn sàng điều chỉnh chiến lược

Hành trình khởi nghiệp của Phạm Nhật Vượng mang đến một bài học quan trọng: tầm quan trọng của việc nhận ra khi mọi thứ không hoạt động như mong muốn, nhanh chóng thay đổi thay vì kỳ vọng. Ông cũng ủng hộ giá trị của khả năng thích ứng, nhấn mạnh: “Nếu một dự án không còn phù hợp với mục tiêu của chúng tôi, chúng tôi phải sẵn sàng từ bỏ nó”.

Có thể thấy rõ điều này khi ông quyết định bán chuỗi siêu thị VinMart và VinMart+ cho Tập đoàn Masan. Đây là một quyết định khó khăn, nhưng nó cho thấy cách mà ông Vượng sẵn sàng thay đổi và thừa nhận khi có điều gì đó không hoạt động tốt. Ông biết rằng việc đổ thêm ngân sách vào các siêu thị không phải là một nước đi sáng suốt và sẽ làm cạn kiệt nguồn lực của tập đoàn.

Ông Vượng, với tầm nhìn chiến lược và sự nhạy bén trong kinh doanh, luôn coi trọng việc thống nhất các nỗ lực với kế hoạch tổng thể, đảm bảo Vingroup phân bổ hiệu quả nguồn lực cho những gì thực sự quan trọng.

Phát triển tinh thần khởi nghiệp trong tập đoàn lớn

Khẩu hiệu “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” của Vingroup là lời tuyên bố đầy quyết tâm của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng về khát vọng không ngừng vươn lên của tập đoàn hàng đầu Việt Nam này. Vingroup không bao giờ hài lòng với những thành công đã đạt được, mà luôn tìm kiếm những cơ hội mới, những thách thức mới để phát triển. Bản thân Chủ tịch Vingroup cũng đã nói rằng: “Chúng ta chưa bao giờ lên đỉnh và sẽ có lẽ không bao giờ có đỉnh. Luôn giữ tinh thần startup, không để xuất hiện suy nghĩ hưởng thụ”.

“Tôi hy vọng rằng trong tương lai, Vingroup sẽ được biết đến như một tập đoàn luôn mang trong mình tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, truyền cảm hứng và luôn hướng đến lợi ích cộng đồng. Một ngày không xa, Vingroup sẽ có thể phục vụ tất cả các nhóm khách hàng.” Những thành công của Vingroup đã chứng minh cho hiệu quả của chiến lược này, đưa công ty phát triển nhanh chóng và dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực.

Tạo dựng thế hệ các nhà quản lý xuất sắc

Các công ty thành công hiểu rằng những người quản lý cấp trung đóng vai trò quan trọng trong thành công của họ. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của các nhà quản lý cấp trung đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Ông cho rằng các nhà quản lý cấp trung là “hạt nhân lãnh đạo” của tổ chức, có tác động lớn đến sự thành công của doanh nghiệp.

Trong một lần phỏng vấn, ông Vượng cho biết: “Tôi yêu cầu mỗi cán bộ lãnh đạo phải là một hạt nhân, một thủ lĩnh đứng mũi chịu sào, dẫn dắt bộ phận của mình.” Cụ thể, Ông Vượng đặc biệt ủng hộ chính sách đào tạo rộng rãi, trong đó các nhà quản lý cấp trung được yêu cầu tham gia ít nhất 52 giờ đào tạo mỗi năm và mỗi nhân viên được nhận 100 giờ đào tạo mỗi năm, với mục tiêu cuối cùng là khiến văn hóa học tập trở thành một phần không thể thiếu trong DNA của Vingroup.

Vậy chúng ta có thể học được gì từ thành công của tỷ phú Phạm Nhật Vượng?

Phạm Nhật Vượng sở hữu đầy đủ mọi tố chất của một vị lãnh đạo thừa tài năng, đủ can đảm, suy đoán sắc bén, dám mạo hiểm, dám thử thách cái mới, kèm theo một ý chí mạnh mẽ và quyết tâm thành công. Ngay cả khi nắm một tập đoàn đồ sộ như hiện tại trong tay, sở hữu một khối tài sản khổng lồ ông Vượng vẫn làm việc bận rộn hàng ngày, thường xuyên xuống tận các công trường. Ông nói: “bây giờ mình làm vì nhiều lý do khác nhau. Tôi không quan tâm xem được bao nhiêu tiền, mà muốn xây dựng được những công trình đẹp để lại cho đời”.

Vị tỷ phú họ Phạm luôn là cái tên ảnh hưởng và truyền cảm hứng nhiều nhất cho các nhà đầu tư tại Việt Nam. Mong rằng qua tiểu sử Phạm Nhật Vượng, những câu chuyện về quá trình khởi nghiệp của ông có thể giúp các bạn hiểu được phần nào bí kíp thành công của vị tỷ phú tài năng này, có thêm nhiều bài học quý giá về quản trị kinh doanh và vững bước tới thành công trên con đường đầu tư.